Cá tra giống từ lâu đã trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Và làm sao để có kĩ thuật ương nuôi cá tra giống hiệu quả cao thì không phải là chuyện dễ dàng, mà phải qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu kĩ càng.
Chuẩn Bị Ao Ương Cá
Khâu chuẩn bị đầu tiên của kĩ thuật ương nuôi cá tra giống là phải lựa chọn ao đủ tiêu chuẩn. Nên chọn ao ương rộng với diện tích trên 200m2, mực nước từ 1,2-1,5m là hợp lý nhất, độ pH không quá cao. Bên cạnh đó nguồn nước phải sạch, linh động gần các con sông lớn, và đặc biệt tránh xa những nơi có nước thải từ các khu công nghiệp, nông nghiệp…
Cải tạo ao và gây màu trong kĩ thuật ương nuôi cá tra giống
Cải tạo ao
Trong kĩ thuật ương nuôi cá tra giống thì việc cải tạo lại ao cực kì quan trọng, góp phần quyết định đến môi trường sống của cá giống. Trước hết, bà con nên tháo hết nước trong ao rồi bắt hết các loại cá tạp cũng như các vi sinh vật trong đó. Đồng thời cạo hết bùn ở đáy ao chỉ để lại một lớp mỏng tầm 15cm, sửa lại bờ ao cho kiên cố để đề phòng lây nhiễm từ các ao khác cũng như lũ lụt. Bên cạnh đó nên phát quanh bụi rậm, cỏ dại mọc xung quanh để ao được thông thoáng. Sau đó dùng vôi để bón cho ao nhằm diệt khuẩn, khử trùng, các mầm bệnh nguy hiểm cho cá tra giống.
Gây màu
Sau khi xong việc cải tạo ao thì bà con có thể sử dụng bột đậu nành và bột cá để gây màu, mỗi loại chỉ tầm 0,5kg/100m2 trộn lại với nhau rồi rải đều khắp đáy ao. Hoặc có thể thay thế bằng phân ure kết hợp với phân lân, mỗi loại 0,5kg/100m2. Tiếp theo là bơm nước vào ao, nước bơm vào phải được lọc qua lưới lọc để loại bỏ những chất cặn bã. Khi mực nước đã đạt khoảng 0,3-0,4m thì thả giống trứng nước và trùng chỉ để cung cấp thêm một số thức ăn tự nhiên cho cá bột. Sau một ngày tiếp tục bơm nước vào đạt 0,7-0,8 cm thì tiến hành thả giống. Sau đó tiếp tục cấp nước cho đến khi đủ yêu cầu.
Cách chọn giống cá
Chọn giống
Đối với kĩ thuật ương nuôi cá tra giống, việc chọn những con cá bột bơi lội nhanh nhẹn, khỏe mạnh và không có dấu hiệu của bệnh là yếu tố quyết định đến chất lượng cá sau này. Bên cạnh đó cá phải có kích thước, tuổi đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị dị hình đồng thời bà con nên chuẩn bị trước những biện pháp phòng bệnh cho cá tra hiệu quả.
Thả giống
Sau khi cá bột nở từ 20-24 giờ, thả xuống ao ương khi thời tiết dễ chịu, mát mẻ, thường là vào sáng sớm hoặc xế chiều, nhiệt độ nước thấp, không quá nóng. Nên ngâm bịch đựng giống trong nước khoảng từ 15-20 phút để cân bằng nhiệt độ trước khi thả. Cá tra sắp hết hoặc hết noãn hoàng, thả ở mật độ 250-400 con/m2. Chọn các loại thức ăn dành cho cá tra giống phù hợp tránh những trường hợp không mong muốn ảnh hưởng tới năng suất cả đàn.
Chăm sóc và quản lý
- Ở kĩ thuật ương nuôi cá tra giống thì việc chăm sóc và quản lý không thể thiếu được. Trong giai đoạn đầu tiên, cá thích ăn thức ăn tự nhiên nhưng loại thức ăn này lại không đủ cung cấp, do đó bà con có thể bổ sung thêm một số thức ăn khác như thức ăn công nghiệp cho cá. Ngoài ra nên thường xuyên cho cá bột ăn thêm trứng nước, trùng chỉ, cũng như thức ăn tự chế biến. Ví dụ như công thức phối trộn thức ăn cho cá với những nguyên liệu gồm có 20 lòng đỏ trứng gà, 200g bột đậu xanh, tất cả đem xay nhuyễn rồi nấu chín, vo viên sau đó rải đều khắp ao cho cá ăn, nên cho ăn mỗi ngày từ 4-5 lần.
- Sau khoảng 10 ngày tập cho cá bột ăn thức ăn công nghiệp để hạn chế gây ô nhiễm môi trường nuôi, thì nên chọn thức ăn phù hợp với cỡ miệng của cá. Giai đoạn cá giống thì yêu cầu độ đạm trong thức ăn với tỷ lệ trên 30%, còn tỷ lệ cho ăn 5-8%. Tuy nhiên phụ thuộc vào điều kiện môi trường cũng như sức khỏe của cá để điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp. Không nên cho ăn quá ít vì sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của cá hoặc dư thừa làm ảnh hưởng đến chất lượng nước trong ao ương nuôi.
- Bên cạnh đó, trong quá trình ương nuôi cá tra giống phải thường xuyên bổ sung thêm vitamin hay khoáng chất.
- Mỗi tuần nên tập luyện định kỳ cho cá quen với những điều kiện khó khăn giúp cá thích nghi dần và không bị sốc khi thu hoạch và vận chuyển đi. Kĩ thuật ương nuôi cá tra giống sẽ không hề khó đối với bà con ngư dân nếu kiên trì và chăm chỉ học hỏi.
Thu hoạch và vận chuyển
Thu hoạch
Thông thường, kích cỡ đạt chuẩn của cá hương và cá giống sau khi thu hoạch như sau:
- Giai đoạn từ cá bột lên cá hương sau 3 tuần đạt chiều dài thân 2,7-3cm, chiều cao thân khoảng 0,7cm.
- Giai đoạn từ cá hương lên cá giống sau 40-50 ngày đạt chiều dài thân 8-10 cm, chiều cao thân 2cm.
- Giai đoạn từ cá giống nuôi lên cá giống lớn sau 30-40 ngày cá đạt chiều dài thân 16-20cm, chiều cao thân 3cm.
- Ương nuôi từ cá hương lên cá giống sau 60-70 ngày đạt chiều dài thân 10-12cm.
Lưu ý: Khi tiến hành thu hoạch cá giống phải ngừng cho cá ăn trước 6 giờ và trước khi vận chuyển phải để cá vào trong bể nước có dòng chảy nhằm giúp cá thải hết phân và chất thải khác. Nếu ứng dụng kĩ thuật ương nuôi cá tra giống một cách khoa học sẽ cho ra sản lượng cá lớn và đạt chất lượng cao.
Vận chuyển
Đối với cá tra cũng như các loài cá khác đều có 2 cách vận chuyển là vận chuyển kín và vận chuyển hở.
- Vận chuyển kín: Với cách này, cá giống sẽ được đựng trong các túi ny lon có bơm oxy để thích hợp cho việc vận chuyển xa, nếu thời gian vận chuyển quá lâu trên 8 giờ thì nên thay nước và bơm lại oxy.
- Vận chuyển hở: Cách này đơn giản hơn, có thể dùng các thùng phuy hay thau chậu để đựng cá. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển nên có máy sục khí để cung cấp thêm oxy cho cá, sau 4-5 giờ thì nên thay nước.
Để có được những con cá tra to khỏe, chất lượng cao thì việc chọn và nuôi giống là tiền đề cực kỳ quan trọng. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích được phần nào cho bà con. Trên đây là một trong những kĩ thuật ương nuôi cá tra giống phổ biến và được áp dụng nhiều nhất trong những năm trở lại đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét